Cát Bụi Chân Ai
Tác giả: Tô Hoài
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành
Giọng đọc: Mạc Duy Thắng
Được tin nhà văn Tô Hoài vừa mới qua đời vào tối ngày 6/7 năm 2014 tại Hà Nội.
Chúng ta được biết đến ông với tác phẩm kinh điển thời trẻ thơ là “Dế mèn phiêu lưu ký”. Hầu hết các độc giả không hiểu được tại sao Tô Hoài lại thích viết truyện thiếu nhi đến thế, nhưng nếu gọi truyện của ông là thiếu nhi thì e rằng cũng không hoàn toàn đúng. Trong các tác phẩm của ông thấm đẫm chất phiêu du. Không phải chỉ ở “Dế mèn phiêu lưu ký” mà ngay cả những “O chuột”, “Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”… Chất phiêu du này vẫn tiếp tục được bày tỏ không giấu diếm trong tập hồi ký “Cát bụi chân ai”.
“Cát bụi chân ai” được xuất bản năm 1992, hồi tưởng về những câu chuyện của giới văn nghệ sĩ từ trước những năm 45 đến thời kháng chiến. Dù trong thời kháng chiến gian khổ, nhưng vẻ hào hoa của các văn nhân, thi nhân vẫn không suy giảm, cùng với tình bạn sâu sắc. Vẻ đẹp của các nhà văn, nhà thơ ấy phần nào đó giống Dế Mèn, Dế Trũi trong “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Với một số độc giả thích tìm hiểu về đời tư của các nhà văn, nhà thơ thì cũng có thể tìm thấy trong cuốn hồi ký này. Ví dụ như những cử chỉ đồng tính của nhà thơ Xuân Diệu, cái thói quen ăn uống của Nguyễn Tuân…v…v…
Với Cát bụi chân ai – Tô Hoài đã khắc họa thành công các hình tượng Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu… và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một thời đại văn học. Đặc biệt Tô Hoài không tô vẽ cầu kỳ, không thiêng liêng hóa hình tượng Nguyễn Tuân nhưng chân dung Nguyễn Tuân không vì thế mà mất đi vẻ khả ái, đẹp đẽ và ấn tượng. Chỉ điểm xuyết về con người Nguyễn Tuân trong giai đoạn tiền chiến, rồi đi ngược lại mãi về một thời rất xa, cứ thế cuộc đời dấn thân của Nguyễn Tuân như Tô Hoài biết từ sau 1945 tới nay hiện lên sinh động với tất cả những gì bình dị và thân thương nhất…
“Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua…”