Cay Đắng Mùi Đời
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành
Giọng đọc: Kim Phượng
TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM XƯA CHỨA ĐỰNG NHỮNG BÀI HỌC LÀM NGƯỜI
Khi nhắc về văn học Việt Nam, người đọc sẽ nghĩ đến điều gì? Một “Số đỏ” đậm chất trào phúng, hay “Tắt đèn” chân thực với bao nỗi đớn đau, tủi cực của người dân? Cũng là một trong các tác phẩm văn học Việt Nam giàu ý nghĩa, “Cay đắng mùi đời” để lại cho độc giả những suy ngẫm về đạo đức của con người. Như câu chuyện kể hằng đêm, quyển tiểu thuyết đem lại nhiều bài học sâu sắc qua lời văn tự nhiên, bình dị.
Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958) là một trong những nhà văn có đóng góp to lớn trong nền văn học miền Nam nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. Các tác phẩm của ông luôn đề cao luân thường đạo lý cũng như phẩm giá con người, cảm hóa và dẫn dắt mọi người đi theo đường ngay nẻo phải. Dù thường xuyên bày tỏ lòng yêu kính các truyền thống lâu đời của người Việt, nhưng ông vẫn sẵn sàng chấp nhận một số quan niệm mới từ phương Tây như tự do yêu đương, tự do hôn nhân, chỉ cần những quan niệm ấy không đi ngược lại các giá trị cốt lõi của dân tộc. Một trích đoạn trong tác phẩm “Cha con nghĩa nặng” của ông đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11.
“Cay đắng mùi đời” là một tác phẩm được Hồ Biểu Chánh phóng tác từ “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot. Quyển tiểu thuyết kể về hành trình của Được – một cậu bé hiền lành, tốt bụng và cũng rất sáng dạ, thông minh. Được được Ba Thời nhận nuôi từ khi còn đỏ hỏn, hai mẹ con quấn quýt không rời. Lên đến năm chín tuổi, Được đi theo thầy Đàng học nhạc, tập ca. Cuộc hành trình đầy thử thách, gian truân nhưng cũng lắm điều bất ngờ của cậu bé nhỏ bắt đầu từ đây.
Lòng thương người:
Trong “Cay đắng mùi đời”, lòng nhân ái được lan tỏa ở khắp mọi nơi, xuất phát từ mọi con người trong xã hội, dẫu người già hay người trẻ, dẫu nghèo khổ hay giàu sang, dẫu chẳng quen hay ruột thịt. Đó là lòng thương của Ba Thời dành cho đứa trẻ mình nhặt được, là lòng thương giữa Được và Bỉ – hai mảnh đời cùng hoàn cảnh với nhau, là lòng thương giữa Bà Hội đồng dành cho Liên và Được dẫu chỉ sau ba, bốn ngày kể từ lần đầu gặp mặt.
Dành hết tâm huyết của mình để làm nổi bật tình thương, nhà văn Hồ Biểu Chánh như muốn khẳng định rằng ở đâu cũng cần hơi ấm của tình người, cũng cần sự san sẻ, đùm bọc, yêu thương. Lòng thương như một ngọn đuốc soi sáng những đức tính tốt đẹp nhất của con người, dẫn đường cho con người thoát khỏi những đớn đau cùng cực của cuộc sống. Nhờ biết yêu thương và nhận được tình thương, các nhân vật đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và cạm bẫy trên hành trình của mình.
Đây cũng chính là một bài học đạo đức mà nhà văn muốn gửi gắm đến độc giả: hãy sẵn sàng trao đi lòng nhân ái, quan tâm đến người khác nhiều hơn và đừng phân biệt sang hèn, giỏi dở. Khi ta làm được điều đó, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp, cái xấu sẽ được đẩy lùi cũng như những nỗi bất hạnh sẽ ngày một lìa xa.
Nghĩa thầy trò:
Là một nhà văn coi trọng luân thường đạo lý, “tôn sư trọng đạo” là truyền thống cao đẹp mà Hồ Biểu Chánh muốn truyền tải qua tác phẩm của ông.
Hình ảnh thằng Được hết lòng lo lắng cho thầy Đàng sau khi cả hai thầy trò gặp một trận mưa dông ắt hẳn đã để lại cho độc giả nhiều cảm xúc. Nhà văn không chỉ tập trung miêu tả về tình cảm mà còn nhấn mạnh hành động và tâm trí của Được. Những chi tiết như Được “khóc muồi” khi nghe tin dữ về thầy, “lạy bốn lạy mà tạ ơn”, vái lớn: “Con nhờ ơn thầy dạy bảo mấy năm nay nên ngày nay mới biết đường ngay nẻo dại” đã thể hiện một tấm lòng quý mến, kính yêu của học trò đối với người đã thành tâm dạy dỗ mình.
Bên cạnh đó, nghĩa thầy trò còn được biểu lộ thông qua tình yêu thương của thầy Đàng dành cho thằng Được và con Liên. Khi Bà Hội đồng ngỏ ý muốn nhận nuôi hai đứa trẻ, thầy Đàng ban đầu cũng chẳng đành lòng. Thầy “ngó xuống mà suy nghĩ giây lâu”, tỏ lòng không nỡ rời xa Liên và Được. Tuy nhiên, tình thương của thầy Đàng vô cùng đáng quý ở chỗ thầy không chỉ yêu thương hai đứa trẻ, mà thầy còn nghĩ đến tương lai, đến cái được, cái mất của hai đứa khi ở với thầy và với Bà Hội đồng. Để rồi cuối cùng, thầy đã đưa ra quyết định của mình dựa trên những gì mà thầy nghĩ là tốt nhất cho Được và Liên.
Nghĩa thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất xuyên suốt tác phẩm. Bằng ngòi bút trong sáng và tinh tế, Hồ Biểu Chánh đã miêu tả tình cảm ấy đến từ cả hai phía. Từ đó, ông nhấn mạnh lối sống tình nghĩa, đạo đức giữa thầy giáo và học sinh: học sinh nên biết quan tâm, kính trọng, nhớ ơn người đã dạy dỗ mình, và người thầy cũng rất cần tấm lòng yêu thương, sự tận tâm giúp đỡ đối với những đứa trẻ mà mình dìu dắt.
Lòng hiếu thảo với mẹ cha:
Câu ca dao xưa từng dạy: “ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, và Hồ Biểu Chánh đã đúc kết một cách trọn vẹn đạo lý ấy đằng sau từng con chữ.
Được tuy còn nhỏ nhưng đã biết lo nghĩ, quan tâm đến Ba Thời – mẹ của mình: “Mẹ đi khỏi nhà thì nó ngóng trông, chừng mẹ về thì nó chạy ra mừng, rồi lại thường liếc coi ý mẹ buồn vui cho biết”. Dẫu sau này biết được Ba Thời không phải là mẹ ruột, tình cảm mà cậu bé dành cho Ba Thời vẫn vẹn nguyên. Khi đang trên cuộc hành trình xa nhà, bỗng chợt thấy con heo lang mỏ giống hệt con heo quắn mà mẹ mình nuôi ngày trước, Được liền nghĩ ngay đến mẹ và định bụng muốn mua dắt về cho mẹ.
Công cha nghĩa mẹ thật thiêng liêng và cao quý muôn vàn, vì không có công sinh thành và công dưỡng dục của cha mẹ thì ắt sẽ chẳng thể có bản thân mỗi người hôm nay. Ở “Cay đắng mùi đời”, Hồ Biểu Chánh đã bày tỏ lòng trân quý cả hai công lao ấy. Được dù tìm lại được người thân ruột thịt, song vẫn chẳng quên những năm tháng lớn lên cùng Ba Thời – người mẹ nuôi. Lòng hiếu thảo của cậu bé với cả hai người mẹ quả là một bài học ý nghĩa và sâu sắc mà nhà văn đã gửi gắm.
Lời kết:
Nhẹ nhàng mà sâu lắng, “Cay đắng mùi đời” như một câu chuyện cổ tích ấm áp giữa đời thường. Với những bài học đạo lý hàm chứa tính nhân văn, quyển tiểu thuyết như một khúc ca về lòng nhân nghĩa của con người và những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Dù được phóng tác từ tác phẩm “Không gia đình”, nhưng với hệ thống từ ngữ, văn hóa và bối cảnh đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, quyển tiểu thuyết vẫn mang những giá trị rất riêng và là một bông hoa thơm ngát trong vườn hoa văn học Việt.
Nhật Ánh