HomeVăn HọcTiểu ThuyếtBước Đường Cùng - Nguyễn Công Hoan

Bước Đường Cùng – Nguyễn Công Hoan

Bước Đường Cùng

Tác giả: Nguyễn Công Hoan 

Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2006

Giọng đọc: Trung Nghị 

Bước đường cùng đánh dấu đỉnh cao về tư tưởng của nhà văn Nguyễn Công Hoan và là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng.

Hoàn cảnh sáng tác

Bản thân Nguyễn Công Hoan từng cho biết: Thời gian ấy (1938), vì có mối quan hệ gần gũi với những anh em chính trị phạm cũ, trong đó có những người cộng sản (ông là công chức duy nhất của chính quyền thực dân dám có mặt trong đám cưới của Phan Đình Khải, tức đồng chí Lê Đức Thọ sau này), nên Nguyễn Công Hoan bị mật thám Pháp theo dõi gắt gao. Rốt cục, dù không hề mắc mớ gì trong quá trình dạy học, ông vẫn bị thuyên chuyển từ một trường ở Nam Định lên một trường ở Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh), việc bấy giờ bị coi như một sự “đày ải”. Nguyễn Công Hoan rất bức xúc. Ông phản ứng: “Mày đã khỏe đổ cho ông là cộng sản, thì ông cộng sản cho mày xem”. Vậy là ông viết tiểu thuyết “Bước đường cùng”.

Viết “Bước đường cùng”, tác giả đã lường trước hậu quả là sách sẽ bị cấm. Thậm chí, người viết còn bị truy tố. Nhưng ông không sợ. Ông nghĩ, nếu bị nặng lắm thì ông cũng chỉ lãnh án từ một tới năm năm tù. Khi trở về, ông sẽ lại viết văn.

Nguyễn Công Hoan đã viết cuốn sách trong tâm trạng “viết ngày viết đêm, viết cho chóng xong để còn đi chơi nhiều nơi, trước khi ra “an trí” tại Trà Cổ”. Ông kể: “Vừa nghĩ, vừa viết, vừa sửa, tôi đã hoàn thành cuốn truyện trong 16 hôm (1/16 tháng 7 năm 1938). Vì đã ngồi trước cái bàn cao quá tầm tay liền trong nửa tháng để viết, nên phải dùng nhiều gân sức, tôi đã bị sái bả vai bên phải đến ba năm. Mấy năm nay, vì tuổi cao, sức yếu, đến mùa rét, hoặc gặp thời tiết ẩm thấp, bệnh ấy lại trở thành tật”.

Tóm tắt nội dung

Pha, một nông dân nghèo bị Trương Thi – người hàng xóm không tốt bỏ bã rượu vào ruộng rồi báo Tây đoan về bắt. Nhưng Thi bỏ lầm vào ruộng Nghị Lại, một địa chủ lớn trong vùng. Pha thoát nạn. Nghị Lại xúi Trương Thi kiện Pha, rồi lại xúi Pha kiện Trương Thi, hứa cho cả hai người vay tiền lo kiện và nói lót với quan cho cả hai! Pha lên huyện hầu kiện, bị lính lệ hạch sách, đánh đấm, cướp giật, lại bị quan ra lệnh tống giam vì không mang tiền “lễ”. Đến khi vợ đem tiền đến, anh mới được tha về. Nghị Lại đến dụ dỗ, Pha lại phải vay thêm lão hai chục để “tạ quan”! Bá Tân, người anh vợ có chữ nghĩa của Pha, bàn với Pha tìm cách trả kỳ được món nợ của Nghị Lại. Nhưng lão đã có chủ ý, nhất định chưa nhận. Vụ thuế đến, lính cơ về làng, tróc nã, bắt trói, cùm kẹp; Quan huyện về đốc thuế, đem lính vào từng nhà, cướp trâu, vơ vét đồ đạc, tiền bạc…! Sau vụ thuế, nhiều gia đình nông dân khánh kiệt, trong khi Nghị Lại và bọn kỳ hào kiếm hàng trăm. Vợ chồng Pha phải đến làm thuê cho Nghị Lại, vất vả quần quật mà cơm độn cà thiu không đủ no. Chị Pha về ốm nặng, Pha lại phải đến vay thóc Nghị Lại để ăn. Vợ anh vẫn ốm, không có tiền mua thuốc, chỉ uống mấy thứ lá linh tinh, rồi lễ bái, chạy mồ… Anh phải đến phục dịch nhà Nghị Lại, rồi bị đòn, bị đuổi oan ức. Nước sông lên to, Pha và hàng trăm nông dân phải đi hộ đê, trong khi vợ con nhịn đói. Rồi nạn dịch tả. Chị Pha chỉ vì không chịu tiêm chủng đã chết về dịch. Đã thế, Pha còn bị “làng” bắt vạ vì cho rằng anh “hỗn xược với thần” để làng bị dịch! Đứa con của anh cũng chết nốt, chỉ còn mình anh trơ trọi, túng đói…

Theo Nguyễn Công Hoan tự nhận xét, sở trường của ông là truyện ngắn chứ không phải tiểu thuyết. Ông nói ông thích viết truyện ngắn hơn tiểu thuyết: “Tôi chỉ viết truyện dài khi nào tôi lười tìm đề tài để viết truyện ngắn”. Tuy nhiên, với không ít nhà nghiên cứu, phê bình văn học, tiểu thuyết “Bước đường cùng” vẫn là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của đời văn Nguyễn Công Hoan. Cuốn sách từng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và được ghi nhận như một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945.