HomeVăn HọcTruyện DàiChiếc Lư Đồng Mắt Cua - Nguyễn Tuân

Chiếc Lư Đồng Mắt Cua – Nguyễn Tuân

Chiếc Lư Đồng Mắt Cua

Tác giả: Nguyễn Tuân

Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn và Công ty Nhã Nam ấn hành 

Giọng đọc: Công Tuấn

“Mỗi lần dọn lại những ngày cũ của mình, kiểm tra lại đống kỷ vật xưa…” Tôi cầm lên và đọc một cuốn sách bất kì trong mớ hỗn độn những cuốn sách tôi “phải” dọn để một năm mới bước sang gọn gàng, tươm tất hơn. Thật ra, chẳng ai bắt tôi phải dọn cả, cũng chẳng phải gần đến Tết tôi mới làm vậy. Tôi làm vậy vì tôi thấy nên như vậy, cần như vậy và phải như vậy. Nhưng tôi ấy, vẫn phải than vài tiếng rồi mới làm.

Dọn lại kỷ vật, cất bớt kỷ niệm, bỏ đi những thứ thừa thãi trong cuộc đời tưởng dễ mà đôi khi lại thật khó. Tôi bắt gặp một người cũng đang lục lọi, dọn dẹp lại một đoạn đường ký vãng, những thứ là “người” làm chứng đứng đắn cho một chuỗi ngày cũ… Tùy bút Chiếc lư đồng mắt cua, lời tự bạch của Nguyễn (cụ Nguyễn Tuân), đó là một đoạn đời của cụ Nguyễn mà theo lời cụ “không phải một tập phóng sự về nhà hát cũng không phải một thiên nhật ký ghi lại đủ một thời kì khủng hoảng tâm thần”, để rồi khiến ông băn khoăn “có lẽ… cũng lại chỉ là những trang tùy bút chép lại một ít tâm trạng tôi trong những ngày phóng túng hình hài”. Những ngày mươi năm cũ, những năm 30 của thế kỉ XX nhiều sóng gió.

Tôi đến với Chiếc lư đồng mắt cua cũng tình cờ như cách chiếc lư đồng mắt cua về tay cụ Nguyễn vậy. Đặt lên, bỏ xuống nhiều lần dù cuốn sách mỏng, tôi tìm thấy nó trong nhà sách – cuốn sách cứ ngỡ đã “tuyệt chủng” như khủng long nhiều thế kỉ trước (có hơi quá rồi). Mọi thứ đến với con người âu cũng đi cùng chữ “duyên”. “Tôi không có cái chí cóp nhặt đồ vật coi cái sinh thú ấy làm nhẹ… Nhưng có nhiều khi mình không đi tìm đồ vật mà đồ vật lại tìm đến mình”. Mà rước về rồi đâu phải ai cũng đọc ngay đâu, nhiều truân chuyên lắm tôi mới chịu mở sách đọc. Thực, cuốn sách chỉ có giá trị khi người đọc đọc, muốn hiều về nó.